Nghi vấn bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam Trịnh_Xuân_Thanh

Ngày 31 tháng 7

Ngày 31 tháng 7 năm 2017, Các báo tại Việt Nam đều đăng tin, Bộ Công an cho biết nghi can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế.[7]

Cùng ngày, nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ biên báo mạng Thờibáo.de từ CHLB Đức nói trong chương trình đài BBC được phát trực tuyến lúc 20h30 ngày thứ Hai, 31 tháng 7 năm 2017 theo giờ Việt Nam: "Ngày 23 tháng 7 năm 2017 tại Berlin, lúc 10 giờ 30 ông Trịnh Xuận Thanh cùng 1 nữ cán bộ Bộ Công thương đã bị nhóm đối tượng người Việt Nam dùng vũ lực khống chế bắt cóc tại công viên Tiergarten, đưa lên một chiếc xe đợi sẵn." Ông Khoa cho biết chính ông đã nói chuyện trực tiếp với cán bộ điều tra Đức cũng như với luật sư của ông Thanh.[8][9] Báo thoibao.de ngày 3 tháng 8 thêm chi tiết, chiếc xe này có biển số Séc. Sự việc xảy ra ở phía trước của khách sạn Sheraton ở quận Tiergarten Berlin.[45]

Ngày 1 tháng 8

Tờ báo Đức TAZ được cảnh sát và công tố viên Đức cung cấp thông tin rằng ông Thanh vào đầu thâp niên 1990 đã từng làm đơn xin tị nạn chính trị ở Đức, nhưng sau đó lại tình nguyện trở về Việt Nam. Từ tháng 9 năm 2016, một lệnh bắt giam được gửi tới Europol, nhưng ông Thanh không bị truy nã ở Đức với lý do: các cáo buộc "vi phạm luật lệ Việt Nam" là không cụ thể.[10]

Ngày 2 tháng 8

Ngày 2 tháng 8, bộ Ngoại giao Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật Đức và luật quốc tế khi cho người bắt cóc ông Thanh, một người đã xin tị nạn tại Đức và đang được xem xét. Bộ ngoại giao Đức đã triệu tập đại sứ Việt Nam tại Đức vào ngày 1 tháng 8 và tuyên bố tùy viên tình báo của tòa đại sứ, Nguyễn Đức Thoa, cán bộ Tổng cục Tình báo Việt Nam [45], là "persona non grata". Ông ta phải rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng. Ngoài ra, Đức sẽ xem xét về các biện pháp chính trị, kinh tế và viện trợ phát triển.[46][47][48][49]

Theo luật sư của ông Thanh, việc ông Thanh tình nguyện ra đầu thú là nói dối. Bên lề cuộc họp G-20 ở Hamburg vào ngày 7 và 8 tháng 7, các viên chức cao cấp của Đức đã nói chuyện với phía Việt Nam phải làm thế nào để có thể cho dẫn độ ông Thanh về Việt Nam theo đúng pháp quyền. Bộ Ngoại giao Đức cho biết, họ đã nói rõ ràng với đại sứ Việt Nam tại Đức rằng ông Thanh phải được đưa trở lại Đức để họ có thể xem xét đơn dẫn độ cũng như đơn xin tị nạn theo luật pháp Đức.[50]

Ngày 3 tháng 8

Ngày 03/08/2017, trả lời các câu hỏi của phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng nói: "Liên quan đến phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2-8...Tôi hiểu vụ việc Trịnh Xuân Thanh được rất nhiều người quan tâm..." Khi phóng viên AFP (Pháp) hỏi: "Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không? Và liệu bà có nghĩ vụ việc này có ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao hai nước không? Hiện giờ ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?" và phong viên hãng DPA (Đức) hỏi: "Bà phản ứng như thế nào về thông tin của luật sư ông Trịnh Xuân Thanh cho biết ông này đang xin tị nạn ở Đức?", bà Hằng trả lời: "Theo thông báo ngày 31-7 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra" và cũng nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức.[51]

Cùng ngày cho biết trên buổi bàn luận với đài BBC, Nhà báo Lê Trung Khoa của thoibao.de cho biết, chính quyền Đức có bằng chứng là có cơ quan đại diện ngoại giao VN đã thuê một chuyên cơ để chở bệnh nhân từ một nước Đông Âu về Việt Nam (tuy nhiên, ông Khoa không nói là mình đã lấy thông tin này ở đâu). Ông cho biết thêm là tòa đại sứ Đức ở Hà Nội đã đóng cửa bộ phận lãnh sự và trợ giúp pháp lý, như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc làm thị thực để sang Đức, ngoài ra chính phủ Đức đang họp với bộ ngoại giao và các cơ quan khác để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng quan hệ này.[52]

Trong chương trình thời sự 19 giờ của Đài truyền hình Việt Nam, đã phát đoạn phim ghi cảnh ông Trịnh Xuân Thanh nói về việc đầu thú của mình tại Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Theo đó, trong đơn xin đầu thú của Trịnh Xuân Thanh có đoạn: "Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình, bạn bè, tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật". Trong khi trả lời phóng viên báo chí, Trịnh Xuân Thanh đã khẳng định: "Trong quá trình trốn chạy tôi nghĩ mình đã làm điều rất nông nổi, anh ạ. Suy nghĩ nó không chín chắn, quyết định đi trốn. Trong quá trình như thế thì thấy là mình cần phải về để đối diện với sự thật. Và cái thứ hai nữa là về để gặp lại mọi người. Đặc biệt đối với lãnh đạo, báo cáo, minh nhận khuyết điểm, xin lỗi. Được gia đình động viên, tôi cũng xin về tự thú trước cơ quan".[53]

Ngày 4 tháng 8

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Sáu 4/8, trong một cuộc họp báo, tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam vì cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, nói là sẽ không dung thứ và không thể dung thứ việc đó. Nói về việc một tùy viên tình báo Việt Nam bị đuổi về nước, ông Gabriel cho biết: "Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc." "Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn," [54][55][56]

Ngày 10 tháng 8

Ngày 10.8 các báo lớn Đức đều đưa tin là tổng công tố viện liên bang nhận trách nhiệm điều tra mà cho tới bây giờ thuộc quyền thành bang Berlin, và viện này cho biết theo kết quả điều tra hiện thời, Thanh đã được đưa vào tòa đại sứ trước khi được đưa về Việt Nam.[57] Ngoài ra Spiegel Online cho hay chuyên gia luật Hồ Ngọc Thắng, làm việc cho sở tị nạn Berlin từ năm 1991 đã bị cho ngưng việc, vì bài viết của ông trên Facebook. Vì sợ ông có thể đã xem được các hồ sơ tị nạn, cơ quan này cũng đã yêu cầu Cục tình báo Liên bang Đức (BND) vào cuộc điều tra. Ông Thắng là người viết trên trang Facebook của giám đốc truyền thanh Việt Nam cho là "các cơ quan Đức không có thể đưa ra bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc“." và "Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức chủ yếu dựa vào phát biểu của bà LS đại diện cho Trịnh Xuân Thanh" cũng như "Tôi tin rằng, vài ngày nữa, chậm nhất vài tuần, sự kiện Trịnh Xuân Thanh sẽ chìm trong sự lãng quên. Cũng chẳng hay ho gì cho Nhà nước Đức, nếu ai đó nhắc lại vụ việc này." [58]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trịnh_Xuân_Thanh http://www.bbc.com/news/world-europe-40806193 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38664084 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40790917 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40816890 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44029402 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/1609... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/1610... http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2016/09/trinh... http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2016/09/trinh... http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2016/09/trinh...